Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội ngoại khoa Việt Nam và dự Hội nghị Hội ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2022 diễn ra chiều ngày 18/11 tại Hà Nội có sự hiện diện của hàng trăm chuyên gia hàng đầu về ngoại khoa cả nước.
Trong phát biểu tại sự kiện diễn ra vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã rất xúc động trước sự có mặt của GS Nguyễn Bửu Triều - người Thầy của rất nhiều các Thầy cô.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nói: Trải qua 60 năm phát triển, Hội Ngoại khoa đã có đội ngũ chuyên môn đông đảo được đào tạo rất cơ bản, trong đó có nhiều bác sĩ tu nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và có tay nghề giỏi, với nhiều kỹ thuật mới, nhiều ca bệnh khó được điều trị thành công.
"Hôm nay chúng em rất vui và xúc động được đón Thầy tại Lễ Kỷ niệm và tại Hội nghị, chúng em cùng kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe để chúng em được đón Thầy ở những buổi lễ trang trọng của ngành. Cách đây mấy hôm, thay mặt Bộ Y tế, em cùng đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội đến thăm chúc sức khỏe Thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Những câu chuyện của Thầy là tấm gương sáng cho thế hệ chúng em học tập và noi theo..."- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ.
Ôn lại truyền thống của Hội ngoại khoa Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết sự phát triển của Hội ngoại khoa Việt Nam trong suốt 60 năm qua gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cùng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau này.
Sự ra đời của Hội Ngoại khoa Việt Nam đến trước năm 1975 đã đặt những nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền y học nước nhà. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, các thế hệ thầy thuốc của Hội vừa tập trung cho công tác phục vụ chiến đấu vừa không ngừng suy nghĩ, tìm tòi những phương pháp điều trị cho người bệnh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng các Thầy, Cô giáo, các chuyên gia ngoại khoa là những bậc tiền bối, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành trong thời gian qua
Nơi đây từng gắn bó với nhiều danh nhân y học làm rạng danh cho nền y học nước nhà như: Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng; GS Hoàng Đình Cầu - người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi Việt Nam; GS.TS khoa học Nguyễn Khánh Dư - một trong những tên tuổi nổi tiếng đi tiên phong trong phẫu thuật bướu cổ; GS Nguyễn Trinh Cơ với công trình nghiên cứu "Mấy vấn đề về ngoại khoa thời chiến", GS Nguyễn Dương Quang với những đóng góp trong việc nghiên cứu bệnh lý chảy máu đường mật nhiệt đới được các nhà khoa học thế giới đánh giá cao.
Trải qua 60 năm phát triển, Hội Ngoại khoa đã có đội ngũ chuyên môn đông đảo được đào tạo rất cơ bản, trong đó có nhiều bác sĩ tu nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và có tay nghề giỏi, với nhiều kỹ thuật mới, nhiều ca bệnh khó được điều trị thành công. Điển hình là phương pháp cắt gan khô nổi tiếng của Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng, đã từng gây tiếng vang lớn đối với nền y khoa thế giới.
Bên cạnh đó phẫu thuật nội soi đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước và ghép tạng đã mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân không may bị suy tạng...
Các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức thực hiện một ca ghép tim.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến kì diệu. Từ năm 1992 đến tháng 3/2022, Việt Nam đã ghép được 6.550 người, trong đó 6.094 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim.
Ở mỗi vùng miền, mỗi cơ sở y tế các thầy thuốc ngoại khoa luôn nỗ lực hết mình phát triển chuyên môn nghiệp vụ để có được niềm tin của người bệnh, làm thế nào để người bệnh tin tưởng điều trị, hạn chế phải chuyển tuyến và hạn chế người bệnh phải đi nước ngoài chữa bệnh...
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, cùng với sự phát triển của ngành ngoại khoa thế giới, phẫu thuật nội soi được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau tại Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11/1992. So với mổ mở, nội soi kinh điển đã đem lại cho bệnh nhân giá trị rất lớn, vì ít tổn hại đến sức khỏe.
Nhiều phương pháp phẫu thuật khó, trước đây phải mổ mở thì đến nay phẫu thuật nội soi đã được thay thế như các ca phẫu thuật sửa hay thay van tim đã được thực hiện bằng phương pháp nội soi.
Thông tin tại sự kiện này, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam cho biết, để tập hợp và phát huy năng lực của các nhà ngoại khoa và phẫu thuật soi theo nguyện vọng của toàn thể hội viên, ngày 9/11/2020 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 948/QĐ-BNV về việc hợp nhất hai hội thành Hội ngoại khoa và phẫu thuật nội soi Việt Nam.
"Đây là một bước ngoặt lịch sử trong hình thành và phát triển của ngành ngoại khoa Việt Nam, mở ra một chương mới cho sự phát triển các chuyên ngành ngoại khoa chuyên sâu với ứng dụng của những thiết bị hiện đại từ y học, vật lý, sinh học phân tử, công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa với các thiết bị siêu nhỏ tới tầm nano"- GS.TS Trần Bình Giang cho biết.
Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc 2022 có hơn 300 bài báo cáo khoa học chất lượng thuộc hơn 20 chuyên ngành sâu của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó có 65 bài báo cáo quốc tế đến từ các nước Úc, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan.
Đồng thời có sự tham gia của hơn 100 Chủ tọa là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành và các báo cáo viên trong các lĩnh vực Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê Hồi sức, Phục hồi chức năng…
Hướng tới hội nhập quốc tế trong y học, Hội nghị có 4 phiên báo cáo khoa học sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
Báo Sức khỏe và Đời sống
Báo Sức khỏe và Đời sống
© 2021 Design by HoaBinh-Group