10:54 . 18/08/2022

Xu hướng mới chăm sóc vết thương khó liền – mối quan tâm của các chuyên gia y tế hiện nay

Nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong xử lý vết thương khó liền, dưới sự chỉ đạo của Hội ngoại khoa – Phẫu thuật Nội soi Việt Nam, ngày 15/7/2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp với Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Công ty TNHH BBraun Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học với chủ đề: Cập nhật những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc vết thương.

 

Tham dự hội nghị có các đại biểu và báo cáo viên: PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Nguyên trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Liền vết thương, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác; ThS. BS Trần Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng hơn 80 đại biểu là các chuyên gia y tế đặc biệt lĩnh vực chăm sóc vết thương về phương diện quản lý, thực hành chăm sóc, giảng viên của các bệnh viện, các trường công lập, bệnh viện tư, quân đội khu vực Hà Nội.   

 

Chăm sóc vết thương đã được mô tả từ rất sớm bởi Edwin Smith Papyrus từ năm 1600 BCE về việc khâu vết thương (ở môi, cổ và vai), băng bó, đến đặt nẹp .., phòng ngừa nhiễm trùng bằng mật ong và cầm máu bằng thịt còn sống. Trải qua một giai đoạn dài cho đến nay là thế kỷ XXI, với những tiến bộ vượt bậc của ngành y cũng như thay đổi của xã hôi, chăm sóc vết thương đã trở thành một kỹ thuật chăm sóc y tế khá phổ biến cả trong và ngoài bệnh viện, được chăm sóc bằng những kỹ thuật mới cũng như những sản phẩm chăm sóc vết thương tiên tiến.

 

Vết thương rất hay gặp từ cấp đến mạn tính xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, chiếm một phần lớn chi phí y tế dành cho chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy việc chăm sóc vết thương vẫn còn những thách thức do vết thương ngày càng phức tạp vì các nguyên nhân chấn thương, bệnh lý…đặc biệt liên quan đến vết thương khó liền. Việc chăm sóc vết thương nói chung, chăm sóc vết thương khó liền nói riêng luôn được quan tâm. Các nghiên cứu, kỹ thuật luôn được đề cập trong chăm sóc vết thương khó liền trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay.

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đức Chính cho biết: Vết thương khó liền ảnh hưởng nhiều đến kết quả chăm sóc, kéo dài thời gian điều trị và tăng chi phí, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống đôi khi khiến người bệnh mất chi. Tại các nước phát triển, chi phí chăm sóc vết thương là gánh nặng y tế. Theo một thống kê tại Mỹ cho thấy số ngày nằm viện tăng trung bình 7,4 ngày do biến chứng vết thương lâu liền, tốn thêm mỗi năm trên 130 triệu USD, một thống kê tại Anh cho thấy mỗi năm chi phí ngân sách dành cho chăm sóc vết thương chiếm khoảng 3% tương đương 3 tỉ Bảng/năm. Tại Đan Mạch, chi phí chăm sóc vết thương, nhất là vết thương khó liền chiếm tới 3% trong tổng chi phí điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện nay tại Việt Nam chăm sóc vết thương cũng tác động nhiều trong chăm sóc y tế tại các bệnh viện do chấn thương, bệnh lý như bàn chân tiểu đường, bệnh gout có xu hướng tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính phát biểu tại hội nghị khoa học

Các bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Đức Chính về “Khó khăn thường gặp và các xu hướng mới trong chăm sóc vết thương”; “Những tiến bộ trong chăm sóc vết thương khó liền” TS.BS Nguyễn Tiến Dũng;“ Chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng chăm sóc vết thương chấn thương phần mềm” – ThS. BS Trần Tuấn Anh nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu và diễn ra sôi nổi trong phiên thảo luận.

Các đại biểu mong muốn kiến thức qua Hội nghị được áp dụng trong thực tiễn giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân nói chung, hoàn thiện sớm về qui trình chăm sóc vết thương nói riêng.

Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ý kiến (0)

 

14:34 . 13/09/2024
  • Đang online: 8
  • Lượt người truy cập: 952,560

© 2021 Design by HoaBinh-Group