18:21 . 20/10/2021

PGS.TS Trần Bình Giang: “Tôi có một ngôi sao Thiên Y chiếu mệnh”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang đang ở vào độ chín của những thành công và sự tỏa sáng của tài năng. Nhưng ngồi nói chuyện với ông, lại có cái vẻ ấm áp thân tình của một vị bác sĩ, luôn biết xoa dịu nỗi đau cho người khác.

Phòng làm việc của ông rất giản dị, không bảng vàng, huy chương, không sô pha sang trọng thường gặp ở những văn phòng làm việc của những vị chức tước, mà bộn bề là sách vở, giấy tờ nghiên cứu. Và những kỷ vật của bạn bè mang tặng. Một chiếc kiếm gỗ hóa thạch có tuổi thọ hàng ngàn năm, bộ sưu tập chữ ký Bác Hồ, và bức tượng Bác đang ngồi đọc sách được đặt trang trọng trên bàn làm việc. Một bức chân dung của Giáo sư Tôn Thất Bách, người thầy đáng kính của ông, và lời thề Hippocrate bằng tiếng Hy Lạp cổ. Đây là lời thề được một thầy thuốc Hy Lạp viết từ thế kỷ thứ IV Tr.CN, gần như sáng lập một trường phái y học - phái tôn trọng y đức như cứu cánh của ngành Y mà đến bây giờ vẫn còn giá trị. Trần Bình Giang bảo, lời thề đó được một người bạn mang từ nước ngoài về tặng ông, và đã đồng hành với công việc của ông trong suốt nhiều năm nay. Bởi với ông, trong nghề Y, y đức của thầy thuốc là điều tối quan trọng. Nhưng có lẽ không ai nghĩ rằng, đằng sau sự thành công hôm nay của PGS-TS Bình Giang, là những ám ảnh của một quá khứ thật buồn về gia đình và những người thân. Những ám ảnh khiến một cậu học trò từng đoạt giải 3 văn toàn miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước đã quyết định rẽ ngang không vào học chuyên văn Đại học Tổng hợp ngày đó mà chọn ngành Y. 
Cậu bé Trần Bình Giang có một tuổi thơ bình yên bên dòng sông Luộc thơ mộng, tỉnh Thái Bình, nơi phát tích của nhà Trần. Ông là con út trong một gia đình có 4 anh em, cậu học trò lớn lên sau lũy tre làng đã cho ông một tuổi thơ đầy ắp những ký ức đẹp. Nhưng con đường văn với ông có lẽ chỉ là bản năng của một tâm hồn đa cảm, và nhiều khát vọng, chứ không thể thành nghiệp.

Gương mặt người đàn ông chạm tuổi ngũ tuần trở nên trầm tư khi hồi tưởng lại những ký ức buồn, nhưng lại đưa ông đến một quyết định định mệnh. Gia đình ông có đến 9 người con, nhưng 5 người đã mất vì đau ốm bệnh tật. Những câu chuyện ngày còn nhỏ được mẹ kể lại làm ông suy nghĩ rất nhiều, bởi sự bất lực của con người trước bệnh tật. Lúc đó, chàng trai đa cảm Bình Giang, dù là con út trong nhà, được bố mẹ chiều chuộng, nhưng đã sớm có những suy nghĩ già dặn như vậy. Và câu chuyện buồn của chị gái ông, là một nỗi ám ảnh ghê gớm. Chị 5 lần sinh nở, nhưng 3 lần phải chứng kiến cảnh con bị sốt cao, co giật và mất. Chính ông, trong một lần chở hai mẹ con chị lên bệnh viện đã chứng kiến tận mắt sự ra đi đột ngột của cháu mình, mà không hiểu căn nguyên của bệnh tật. Những ký ức buồn đó ăn sâu vào tiềm thức Bình Giang, và ông quyết định sẽ thi vào ngành Y thay vì những lựa chọn khác nhẹ nhàng hơn. Lúc đó, Bình Giang chỉ nghĩ đơn giản, nghề Y thực sự cần thiết với đời sống, vì nó liên quan đến tính mạng con người. Ông cũng là một người rất dễ ốm, mà đã ốm là sốt cao và co giật. Ông không thể nào quên được cái cảnh mỗi lần ông lên cơn sốt là mẹ vội vàng bế đến trạm xá để tiêm. Sợ đến nỗi mỗi lần nhìn thấy ông y sĩ là Bình Giang chạy vào xó nhà và chửi. Ông nói, vậy nên nghề y đến với ông cũng là một cơ duyên.
Trần Bình Giang là một trong những người Việt Nam đầu tiên chọn ngành học phẫu thuật nội soi. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, nhưng Việt Nam lại đi rất gần với thế giới, chỉ sau thế giới 5 năm (ca phẫu thuật nội soi đầu tiên của thế giới là năm 1987 thì năm 1992 Việt Nam cũng đã tiến hành). Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Bình Giang. Chính ông, năm 2007, trong Hội nghị phẫu thuật nội soi châu Á -Thái Bình Dương được tổ chức tại Ấn Độ đã trình bày phương án đề nghị năm 2010, tổ chức hội nghị này ở Việt Nam. Bạn bè đồng nghiệp trên thế giới đã bị thuyết phục bởi những thành quả mà các bác sĩ Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi mà ông là một nhân tố quan trọng. Nhưng Trần Bình Giang bảo, ông có một ngôi sao chiếu mệnh may mắn. Bởi ngoài sự nỗ lực của cá nhân, anh còn may mắn được làm việc trong một môi trường khoa học, với những người thầy hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

 Tôi bị ấn tượng bởi bức ảnh được treo cẩn thận trên tường, mà với ông đó là một kỷ vật vô giá, Trần Bình Giang nhỏ bé, trẻ măng đứng giữa một hàng các giáo sư danh tiếng của Bệnh viện Cochin, một bệnh viện lớn của Pháp, nơi có những giáo sư hàng đầu như giáo sư Yves Chapuis, Viện sĩ Hàn lâm phẫu thuật Paris, giáo sư Didier Houssain, người đầu tiên chia đôi gan người chết để ghép cho hai bệnh nhân trong đó có một cô bé người Pháp gốc Việt là ca mổ mà ông  phụ mổ cho giáo sư Houssain. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, chàng trai Trần Bình Giang còn rất trẻ, và môi trường làm việc đó đã tạo đà cho những thành công sau này của ông. Một điều may mắn nữa đối với ông, là được làm việc nhiều năm với vị giáo sư đáng kính Tôn Thất Bách.

 Thời ông còn là bác sĩ nội trú, thầy Bách là người trực tiếp phụ trách nhóm bác sĩ nội trú của ông. Và sau này, may mắn được làm việc cùng khoa, theo thầy Bách phụ những ca mổ khó, một cơ may trong đời của ông. Trong ký ức ông đó là một người thầy thoải mái, nhưng rất nghiêm túc. Có lần, thời còn là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Việt Đức, thầy bảo ông cùng các bác sĩ khác trông phòng khám, để thầy đi mổ. Hôm đó có một trận bóng đá rất hay, Bình Giang không cưỡng lại được niềm say mê đã bỏ phòng khám ra đường xem bóng đá, lúc về đã thấy thầy bắc ghế ngồi ở cổng bệnh viện. Thầy không quát nạt, mà chỉ nói một câu nhẹ nhàng, khiến cậu học trò run lên vì sợ. Được theo phụ mổ thầy, được chỉ bảo tận tình, ông đã học được rất nhiều từ đôi bàn tay vàng của thầy về kỹ thuật mổ xẻ, những bí kíp truyền đời của một gia đình bác sĩ danh tiếng. Nhưng một điều quan trọng nhất, ông học được từ người thầy lớn của mình, đó là tấm lòng nhân hậu của một người thầy thuốc tài năng. Có lần giáo sư Tôn Thất Bách dẫn đầu một đoàn công tác xuống thăm Bệnh viện Nam Định, một cậu bé bị áp xe đường mật, nhà rất nghèo, không có tiền để mổ. Thầy đã trực tiếp mổ để cứu sống cậu bé. Khi đoàn đi ăn cơm, thầy bảo Trần Bình Giang quay lại bệnh viện xem sức khỏe của cháu bé thế nào, và gửi cho cháu 200 ngàn đồng để mua thuốc. Tấm lòng nhân hậu của Giáo sư Tôn Thất Bách đã khiến những thầy thuốc như ông phải suy nghĩ.

 Quan điểm sống, nhân cách sống của thầy có những ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống sau này của Trần Bình Giang. Giờ đây, đứng ở vị trí Phó Giám đốc một Bệnh viện lớn như Việt Đức, làm công tác quản lý, nhưng ông vẫn dành thời gian hàng ngày thăm khám bệnh nhân, trực tiếp giải quyết những ca khó, và không ngừng nỗ lực đưa vị thế của ngành Phẫu thuật nội soi Việt Nam ra bạn bè thế giới.

 Trong hội nghị năm ngoái của Hội phẫu thuật nội soi châu Á được tổ chức tại Trung Quốc, ông đã vinh dự được bạn bè quốc tế bầu vào ghế Phó Chủ tịch hội. Đó là một vinh dự không chỉ cho riêng ông, mà là sự khẳng định vị thế của ngành Y Việt Nam trong bạn bè quốc tế. Ông có thể nói thành thạo hai thứ tiếng Anh - Pháp, bằng ngôn ngữ chuyên ngành, đó cũng là một nỗ lực phấn đấu, để các bác sĩ Việt Nam không bị giới hạn tầm nhìn và góp phần đưa nền Y học Việt Nam tiếp cận với thế giới.

Trong chuỗi những công việc bận rộn của một người vừa làm công tác quản lý, sự vụ, vừa làm khoa học chuyên ngành, ông vẫn dành một góc riêng cho niềm đam mê đọc sách. Cái máu mê văn chương vẫn chảy trong huyết quản của ông, và bây giờ trở thành một thú vui trong quỹ thời gian eo hẹp của mình, giúp ông lấy lại sự cân bằng sau những ngày mải mê, vật lộn với công việc.

 Hàng ngày, người đàn ông đó vẫn làm một công việc tưởng như rất lạ, chở cô con gái là sinh viên năm thứ hai vào trường đại học chuyên ngữ vì sợ phố xá không dám để con đi xe một mình. Những ám ảnh của bệnh tật, những ám ảnh về sự chết chóc, và mạng sống con người vẫn thường trực trong ông, khi hàng ngày ông phải đối diện với máu, với từng cơn vật vã của người bệnh. Và cũng từ những ám ảnh đó đã trở thành sự thôi thúc ông trên con đường chiếm lĩnh những đỉnh cao mới của y học, để thoát khỏi cảm giác bất lực của con người trước bệnh tật.

 

Ý kiến (0)

 

  • Đang online: 2
  • Lượt người truy cập: 837,941

© 2021 Design by HoaBinh-Group